Lẩu cua biển mang hương vị đậm đà, chua cay, ăn là ghiền, món ăn cho những dịp tiệc tùng hay cuối tuần đổi gió cùng gia đình thì còn gì bằng. Vào bếp thực hiện ngay món lẩu này tại nhà chỉ với vài bước đơn giản, tiện lợi và dễ làm nhé!

Thời gian thực hiện và khẩu phần ăn:
- Thời gian nấu nước dùng: 60 phút
- Thời gian thực hiện: 30 phút
- Khẩu phần: 4 – 5 người ăn
1. Nguyên liệu và dụng cụ cần cho món lẩu cua biển
Nguyên liệu:
- Cua biển: 500g
- Xương ống: 500g
- Cà chua: 2 trái
- Tôm khô: 100g
- Khô mực: 200g
- Chanh dây: 1 quả
- Bún tươi: 500g
- Tỏi: 2 tép
- Ớt sừng: 1 trái
- Muối: 1 muỗng
- Hạt nêm 2 muỗng
- Bột ngọt 1 muỗng
- Sả: 2 cây
- Hành tím: 2 củ
- Hành tây: 1 củ
- Nấm rơm: 200g
- Ngò om: 20g
- Rau ăn kèm
Dụng cụ: Bếp, nồi lẩu điện hoặc nồi, đũa, chảo,…
Cách nhận biết cua thịt và cua gạch để phù hợp cho từng món ăn:
- Cua gạch: Cua gạch là cua cái có phần yếm hình vuông, lớn. Nhìn dưới đít cua thấy gạch đỏ đầy tràn là cua ngon, chắc, nhiều gạch.
- Cua thịt: Cua thịt là cua đực có yếm nhỏ, hình tam giác.
Cách chọn cua ngon, chắc thịt:
- Dựa vào màu sắc: Những con cua ngon thì phần mai có màu sẫm, màu sắc giữa mai và mặt trên của càng cua sẽ tương đồng nhau. Ngoài ra, cua ngon thì mặt dưới càng và bụng cua có màu cam nâu sẫm và bóng, nếu phần bụng và phía dưới càng nhợt nhạt thậm chí là trắng sáng thì chắc chắn cua vẫn còn non và chất lượng thịt và gạch không cao.
- Bóp yếm cua: Khi bạn bóp vào yếm cua thấy cứng tay là cua chắc, nhiều thịt. Phần yếm này mềm, phập phều là cua óp, ít thịt.
- Nên mua cua còn sống, chân khớp linh hoạt, gai sắc nhọn.
Tổng quan: bạn nhìn toàn bộ con cua thấy màu sẫm, yếm chắc, bám chặt vào thân cua, các gai trên mình và thân cua còn sắc, nếu cua còn sống thi·chân và càng chuyển động nhịp nhàng, linh hoạt là cua còn tươi, ngon, nhiều thịt.

2. Các bước thực hiện món lẩu cua biển
Bước 1: Sơ chế cua
Cua biển sau khi mua về, các bạn mang rửa sạch rồi sơ chế cho thật kỹ, để cua không còn tanh, góp phần làm món ăn trở nên thơm ngon hơn.
Mẹo sơ chế và bảo quản cua
- Cua bạn ngâm vào thau nước đá để cua ngất tạm thời và khi nấu cua không bị rụng chân. Khi cua đã cứng người lại, bạn tháo dây buộc, dùng bàn chải đánh răng cọ khắp mình cua, các kẽ chân,… cho thật sạch, sau đó rửa cua lại một lần nữa để loại bỏ hết bùn đất, cặn bẩn trên mình cua.
- Nếu bạn chưa có thời gian làm cua ngay, khi mua cua về bạn để cua vào trong ngăn đá tủ lạnh, hay để trên một viên đá lạnh để cua cứng người lại mà không chết ngay, không thả cua vào nước vì cua bị sốc nhiệt sẽ chết nhanh hơn.

Sau công đoạn làm sạch, các bạn cắt bỏ yếm, tách cua ra làm đôi, lột mai, lọc gạch riêng ra một chén.

Cho tiếp vào cua 20g tỏi, 1/2 muỗng tiêu xay, 1/2 muỗng đường, 1/3 muỗng bột ngọt, 1 muỗng nước mắm. Ướp khoảng 10 – 15 phút để cua thấm vị.

Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu khác
Khô mực đem nướng, sau đó xé nhỏ. Tôm khô ngâm nước cho nở mềm

Nấm rơm mua về cắt bỏ gốc, ngâm muối rồi rửa sạch, để ráo, cắt làm 2 hoặc làm 4.

Rửa cà chua, cắt hình múi cau. Bóc vỏ hành tây, cắt miếng nhỏ.

Hành tím, tỏi bóc vỏ, sả băm nhuyễn.

Ngò om cắt nhỏ. Ớt cắt lát.

Chanh dây cắt đôi, lọc lấy nước

Rửa xương heo, sau đó đem hầm cùng hành tây và khô mực xé nhỏ để làm nước dùng lẩu cua biển.
Mẹo sơ chế xương ống sạch, không bị hôi:
- Khi mua về, bạn phải chặt xương thành các miếng nhỏ, sau đó rửa xương với nước muối loãng.
- Trước khi tiến hành ninh xương lấy nước dùng, nên luộc sơ xương rồi bỏ phần nước luộc lần đầu đi vì nước này bị nhiễm mùi hôi của xương sẽ khiến cho nước dùng không được thơm ngon.

Xương ống sau khi đã sơ chế kỹ lưỡng, các bạn tiến hành hầm xương trong khoảng 1 tiếng để làm nước dùng cho món lẩu.
Mẹo ninh xương ống để có nồi nước dùng ngon, ngọt:
- Lúc ninh xương không nên đậy kín hoàn toàn vung nồi vì sẽ làm nước ninh xương bị đục. Đồng thời, bạn nhớ hớt bọt để nước xương được trong.
- Nên ninh xương ở lửa nhỏ để nước ngọt trong xương tiết ra hoàn toàn giúp nước lẩu ngon hơn.
- Ninh tối thiểu trong 1 giờ đồng hồ, nhưng tốt nhất là đun tới khi phần thịt bám quanh xương chín mềm thì nước dùng sẽ ngọt ngon nhất. Tránh ninh xương quá lâu, vì có thể khiến nước dùng bị đục và có vị chua làm món ăn mất ngon.

Bước 3: Xào gạch cua
Bắc chảo lên bếp, cho dầu vào, dầu nóng các bạn cho hành tìm vào phi ở lửa nhỏ. Thấy hành vừa vàng thì cho gạch cua vào xào ngay. Xào đến khi gạch cua khô mặt là được.

Bước 4: Nấu nước lẩu
Đặt nồi lên bếp, cho hành tím, sả băm vào phi thơm, sau đó cho cà chua vào xào.

Tiếp đến cho cua đã ướp gia vị vào đảo đều tay tới khi cua chuyển màu.

Cho tiếp phần nước ninh xương ống khi nãy vào nồi.

Nấu tới khi sôi thì cho nước cốt chanh dây đã lọc, nấm rơm và hành tây vào.

Cuối cùng, vớt cua ra dĩa, nêm nếm nước lẩu lại cho vừa ăn.

3. Thành phẩm
Bạn cho phần lẩu trên vào nồi lẩu điện. cho phần gạch cua đã xào lên trên. Chuẩn bị thêm 1 đĩa rau nhút, rau muống,… và 1 đĩa bún, bạn ăn đến đâu cho vào nồi đến đấy.
Vậy là bạn đã hoàn thành xong nồi lẩu cua biển thơm ngon, bổ dưỡng để “xì xụp” cùng gia đình rồi nè, cùng thưởng thức lẩu cua biển cực chất tại nhà ngay nhé!
